Tăng cường hợp tác với khối doanh nghiệp trong đào tạo nghề cho lĩnh vực thoát và xử lý nước thải
Ngày 07/06/2019, hội thảo “Hợp Tác Với Khối Doanh Nghiệp Trong Đào Tạo Nghề Cho Lĩnh Vực Thoát Và Xử Lý Nước Thải” đã diễn ra tại Hà Nội.
Tham dự hội thảo có hơn 60 đại biểu, bao gồm lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Hội Cấp thoát nước Việt Nam, ban giám hiệu các trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, trường Cao đẳng Xây dựng số 1, trường Cao đẳng Công nghiệp Huế cùng đại diện các công ty hoạt động trong lĩnh vực thoát nước & Xử lý nước thải tại ba miền Bắc, Trung, Nam.
Tại hội thảo, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (TCGDNN) và cũng là đầu mối của Tổng cục theo sát chương trình thí điểm ngay từ những ngày đầu, ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy chia sẻ: “TCGDNN đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ cách tiếp cận của dự án: khởi đầu bằng việc xây dựng tiêu chuẩn nghề, lấy đó làm cơ sở để xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo và căn cứ cho hệ thống thi, đánh giá kỹ năng. Thành công đáng kể khác là chương trình đã thiết lập được một cơ chế hợp tác hiệu quả giữa các bên liên quan dưới hình thức Ban chỉ đạo với sự tham gia mạnh mẽ của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ chủ quản (Bộ Xây dựng), Hội nghề nghiệp (Hội Cấp thoát nước Việt Nam), nhà trường và khối doanh nghiệp.”
Dưới sự điều phối của Hội Cấp thoát nước Việt Nam, các doanh nghiệp đã tham gia tích cực, thực chất vào các bước quan trọng nhất của toàn bộ quá trình đào tạo, bao gồm: xây dựng tiêu chuẩn nghề, chuẩn đầu ra; tiếp nhận học viên về đào tạo trực tiếp tại nhà máy với thời gian chiếm hơn 30% tổng thời gian đào tạo và trực tiếp tham gia vào quá trình ra đề thi và chấm thi tốt nghiệp. Việc phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp là chìa khóa để đảm bảo chất lượng và tính thực tiễn trong đào tạo, giúp học viên tốt nghiệp đáp ứng được đòi hỏi của các doanh nghiệp.
Sự thành công trong đào tạo thí điểm đã tạo tiền đề để nhân rộng chương trình đào tạo hợp tác nghề Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải tới hai cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) mới, đó là: trường Cao đẳng Công nghiệp Huế với 2 doanh nghiệp đối tác là Công ty Môi trường và đô thị Huế, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng ; trường Cao đẳng Xây dựng số 1 với 3 doanh nghiệp đối tác: Công ty Thoát nước Hải Phòng, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Bắc Ninh, Công ty Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên.
Để sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trở nên bền vững hơn, chương trình Đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam đã hỗ trợ các đối tác thành lập ba hội đồng tư vấn nghề Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải tại 3 trường: trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, trường Cao đẳng Xây dựng số 1 Hà Nội và trường Cao đẳng Công nghiệp Huế. Tại bội thảo, ba hội đồng tư vấn đã ra mắt các đại biểu và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các tổ chức và công ty tham dự
TS. Juergen Hartwig, giám đốc Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam (GIZ) nhận định: “Tất cả những thành quả này là bước tiến mới trong việc gắn kết khối doanh nghiệp vào hoạt động GDNN, đây cũng chính là một trong những chìa khóa thành công của đào tạo nghề tại CHLB Đức mà chúng tôi mong muốn tích hợp được lâu dài, bền vững trong hệ thống GDNN tại Việt Nam”.
Trong dịp này, Chủ tịch Hội CTNVN đã trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp cấp thoát nước Việt Nam cho bà Phan Hoàng Mai – trưởng Hợp phần 3 thuộc Chương trình TVET để ghi nhận những đóng góp của bà đối với sự nghiệp phát triển ngành cấp thoát nước Việt Nam trong 5 năm qua.
Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam, Số 09
Đào tạo nghề trong lĩnh vực nước thải